
Q U Ê .H Ư Ơ N G
________________________________________________________________
BFUL
Ký ức về Quê Hương của con rất mơ hồ, và bố chưa bao giờ trách con về điều đó. Bố bảo:"Con xa quê khi còn quá nhỏ".
Nhưng bố luôn muốn con chăm học tiếng Việt ngay từ những ngày đầu đến Mỹ. Ngày nào bố mẹ cũng thu xếp thời gian dạy con đọc và viết một giờ. Con hay tìm cách trốn giờ học Việt Ngữ. Tiếng Việt với con khó hơn tiếng Anh, vì có nhiều dấu huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, á, ớ, nên con hay mặc cả :"Bố ơi, hôm nay con chơi đàn gần hai tiếng, không có thời gian học tiếng Việt đâu." hoặc: "Mẹ ơi, con vẽ cái tranh này hết cả buổi chiều, buồn ngủ rồi".
Mẹ thương con học nhiều, có lần nói nhỏ với bố lúc con trốn đằng sau cái couch nghe lỏm:"Vài năm nữa anh học xong, cả nhà về Việt Nam thì con sẽ lại nói tiếng Việt giỏi thôi. Em muốn con được vui chơi nhiều hơn. Mới gần 8 tuổi mà học đủ thứ, đêm nằm thỉnh thoảng con nói mơ bằng tiếng Anh với các bạn, ban ngày lại nhồi nhét tiếng Việt, em thương con bị căng thẳng."
Chỉ chờ có thế, con nhảy lên :"Òa" cho bố mẹ giật mình. Từ đó, một qui định mới bất thành văn được áp dụng trong gia đình : con chỉ học tiếng Việt khi nào con thích. Bố mẹ vẫn nói chuyện, hỏi han con bằng tiếng Việt; còn con trả lời bằng tiếng Anh hoặc pha trộn cả hai thứ tiếng.
Không nói tiếng Việt nhiều, nhưng con nhớ Việt Nam, vì ở đó con có ông bà Nội Ngoại và hai chú H và B cưng chiều con hơn cả bố mẹ. Con vẫn khoe với thầy cô và các bạn :"Năm 1978, V sẽ về Việt Nam. Khi nào thầy cô và các bạn sang thăm Việt Nam, V sẽ đón."
Tuổi thơ hồn nhiên của con cứ trôi qua như thế. Cho đến một ngày, đi học về con không thấy bố đâu. Mẹ ôm con khóc, dặn dò bố mệt đang ở trong phòng, con đừng làm phiền bố. Con chạy ngay lên gác, nhưng không mở được cửa phòng bố mẹ. Nhà mình không ai khóa phòng riêng cơ mà bố ơi. Con thắc mắc nhưng không gõ cửa, con xuống nhà giúp mẹ nấu ăn. Bố bao giờ cũng kéo ghế và cắt nhỏ thức ăn vào bát cho con, bố nhỉ.
Tối đó con cùng mẹ mang cơm lên phòng. Mẹ chỉ nhẹ nhàng áp miệng vào cánh cửa :"Anh ơi, em và con để cơm của anh ngay cửa".
Sáng hôm sau, trên đường đến trường, con hỏi mẹ :"Mẹ ơi, bố có còn yêu mẹ và con không?" Mẹ lau nước mắt cho con nghẹn ngào:"Lúc nào bố cũng yêu mẹ con mình, và bố yêu quê hương Việt Nam".
Nhìn thấy con, cô giáo Paige ôm rất lâu và cho con gói bánh cô tự làm. Ngày hôm đó, cô hỏi han, gần gũi con nhiều hơn. Con biết thầy cô ở trường cưng con, nhưng chưa bao giờ nhìn con với ánh mắt xót thương như thế. Đến giờ giải lao, con thấy Dean Chow, bại trai Tàu thì thầm với một số bạn trong lớp. Rồi các bạn quay sang nhìn con, rồi lại thì thầm... cái nhóm đó ngày càng đông hơn. McKenzie, bạn thân nhất đến nắm tay con :"V đừng buồn, nếu V không về Việt Nam nữa thì ở lại Mỹ với tớ, chúng mình mãi mãi là bạn tốt nhất." Con đang ngơ ngác không hiểu gì, thì Dean giễu cợt :"V không có đất nước, Việt Nam mất rồi, không bao giờ được về Việt Nam nữa rồi!" Con sửng sốt, lắc lắc đầu:"Không đúng, bạn nói dối, Việt Nam là của V, không bao giờ mất". Thằng Tàu cười khành khạch :"Mất rồi, mất rồi! You are a loser!!!"
Con lao vào thằng Tàu gào lên bằng tiếng Việt :"Con chó ghẻ thằng Tàu phù, tao không mất nước Việt Nam" trước sự sợ hãi của Dean và các bạn trong lớp. Rồi con thấy cô Paige ôm con, bế con vào phòng y tế của trường.
Hai hôm sau, lúc mẹ và con đang đọc sách thì nghe thấy tiếng mở cửa phòng bố mẹ. Con chạy ào ra ôm bố, nhưng con đứng sững lại. Con không nhận ra bố. Chỉ có ba ngày thôi mà tóc bố bạc gần hết đầu, râu ria tua tủa tiều tụy.
Bố ôm chặt lấy con khóc nức nở.
Chưa bao giờ con thấy bố khóc.
Bố vẫn nói đàn ông mạnh mẽ không khóc, con là con gái bố cũng sẽ không khóc mỗi khi ngã đau.
Và lúc đó con đã không khóc. Con ôm bố, rụi mặt vào cổ bố thì thầm :"Bố ơi, bố đừng khóc. Con sẽ học thật giỏi tiếng Việt. Tiếng Việt còn là nước Việt Nam của con vẫn còn bố nhỉ."
35 năm đã trôi qua. Tiếng Việt của con chưa giỏi, và con cũng chưa một lần về thăm quê hương.
Rồi con lấy chồng, có con. Hai con gái của con cũng nói thứ tiếng Việt ngọng nghịu, nghe nhạc Mỹ, theo luật Mỹ, dùng đồ Mỹ...
Bố không trách con, vẫn yêu con như những ngày con còn thơ bé, vì bố hiểu Quê Hương với con thiêng liêng và không thể đem ra đong đếm, so sánh bằng ngôn từ, hình ảnh và khoảng cách địa lý.
Con là con gái bố.
Con cũng yêu Gia Đình và Quê Hương.
