g á c. x é p
____________________________________________________________________________Những ai từng có dịp trò chuyện, quen biết Thanh đều có chung một cảm nhận: Thanh phải được sinh ra, lớn lên trong nhung lụa, nề nếp gia giáo, được yêu thương và chiều chuộng.
Thanh vẫn nhớ rõ căn phòng nhỏ 9m2 ở tầng một trên phố Bát Đàn, nơi bé Thanh đỏ hỏn, nặng 2 cân 6 cất tiếng khóc chào đời. Diện tích quá nhỏ để chứa đủ năm người gồm cha, mẹ, Thanh, em Thịnh và em Thu. Cha đã cơi nới thêm căn gác xép cho ba chị em ngủ. Lúc đó Thanh bé lắm, khoảng năm tuổi thôi, nhưng Thanh chỉ có thể ngồi và lom khom trên đó, vì đứng thẳng sẽ bị cụng đầu vào trần nhà đau điếng.
Rón rén bò lên gác xép bằng cái thang tre ọp ẹp, kêu răng rắc, rung bần bật mỗi khi bước thêm một bậc cao hơn, Thanh nhoài người đưa tay kéo em Thịnh, em Thu lên; cha giúp đẩy các em từ phía dưới. Ba chị em chui vào chiếc chăn bông 5 cân cho ấm. Thò đầu ra ngoài thì lạnh, nhưng trùm chăn kín mít thì không thở được, vì chăn nặng lắm.
Tuổi thơ của Thanh không có những câu chuyện cổ tích mẹ kể trước khi đi ngủ; không có những ly sữa bổ dưỡng mối sáng thức dậy, không có những vòng ôm âu yếm của cha, không có những lời thủ thỉ ngọt ngào của mẹ. Và tất nhiên, búp bê và đồ hàng là những thứ xa xỉ, không hiện hữu cả trong những giấc mơ.
Cha mẹ đi làm, khóa cửa nhốt ba chị em trong nhà. Dưới gầm giường để sẵn cái bô,đứa nào có nhu cầu thì cứ tự nhiên, rồi lấy tờ bìa úp lên là xong. Thanh và các em quanh quẩn chơi với nhau cả ngày, tỉ mẩn gắn kết những viên sỏi, que kem, vải vụn, đoạn len, lá cây đã nhặt nhạnh làm thành búp bê, con rối hay bất cứ thứ gì theo trí tưởng tượng non nớt và đôi tay vụng dại của trẻ thơ. Những sáng tạo nho nhỏ ấy luôn khiến ba đứa trẻ cười như nắc nẻ.
Cha mẹ đi làm về, cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt của những niềm vui bé con.Căn phòng chật chội lúc nào cũng sặc sụa khói thuốc lá, ám cả vào quần áo, chăn bông của mấy chị em, vì cha nghiện nặng. Không có tiền mua thuốc bao, nên cha mua giấy và thuốc sợi về nhà tự cuốn lấy.
Cha tiêu hoang, lãng mạn, có nhiều ý tưởng nhưng nóng vội. Mẹ đảm đang, chắt chiu, nhưng thực tế, khô khan. Nghèo khó và thiếu thốn đã dần dần triệt tiêu tính lãng mạn của cha và sự dịu dàng của mẹ. Xích mích, nghi kỵ, hờn ghen khiến mẹ coi cha như kẻ vô dụng, ăn tàn phá hại.
Tiếng đàn vĩ cầm réo rắt, thiết tha của cha ngày xưa đã khiến trái tim mẹ thổn thức bao nhiêu, thì nay mẹ thấy nó cò cử như đàn đám ma. Mẹ muốn cha bỏ việc ở đoàn ca múa nhạc, đi làm công nhân nhà máy gỗ vì có tiền đều đặn hơn. Bốc xếp, cưa kéo không chỉ làm chai nát đôi bàn tay của một nghệ sĩ vĩ cầm tài ba, mà nó còn cứa đứt tình yêu đẹp cha đã dành cho mẹ, cô giáo nhỏ xinh xắn, dịu hiền ngày nào.
Cáu bẳn, căng thẳng, giận dữ, gầm thét mỗi ngày một nhiều hơn trong căn phòng lạnh lẽo. Đã có lần, khi Thanh òa khóc vì sợ hãi, mẹ đã giáng thẳng một cái tát như trời giáng vào mặt Thanh.Trong cơn giận cá chém thớt, mẹ gào lên: "Mày khóc cái gì con kia, tao nhức óc như thế chưa đủ hay sao?". Cái tát đó làm máu mũi Thanh toé ướt đầm ngực áo và mặt bị một vết xước dài. Một thời gian sau sẹo lành, vảy tróc đi, kéo theo luôn tiếng cười nắc nẻ hồn nhiên.
Gác xép đã nghiễm nhiên trở thành thiên đường trú ngụ của Thanh và các em trong những trận cuồng phong của cha mẹ. Nơi đó, Thanh có thể khóc thầm thỏa thuê mà không bị đánh đòn. Nơi đó, chỉ cần nhắm tịt mắt, bịt chặt tai, Thanh không còn nhìn thấy cảnh cha mẹ tóc tai xõa xợi, lăn xả vào nhau cắn xé như những người điên.
Một lần, Thanh tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy các dì, các cậu em ruột của mẹ đứng ngồi lố nhố xung quanh. Thanh muốn nói, nhưng không nói được: mũi miệng và tay Thanh chằng chịt dây của bệnh viện.
Đêm đó, vì quá nhớ sân khấu, cha đã đi biểu diễn thay một người bạn bị ốm. Khi Thanh, Thịnh và Thu đang ngủ, mẹ khóa chặt cửa bên trong phóng lửa đốt nhà tự thiêu. Hàng xóm kịp thời phá cửa xông vào cứu được mẹ, Thanh và em Thịnh. Nhưng bé Thu, lúc đó mới 18 tháng tuổi đã không qua khỏi vì ngạt khói.
Mẹ làm như vậy vì bế tắc trước những khó khăn chồng chất; muốn tự giải thoát khỏi cuộc sống nghèo cả vật chất lẫn tình thương yêu, hay chỉ đơn giản vì muốn trả thù cha? Đến bây giờ Thanh vẫn không có câu trả lời, vì tất cả những gì liên quan đến cái chết của bé Thu đã trở thành đề tài cấm kỵ trong gia đình.
Nhiều năm sau, trong một lần đi tìm mua nhà ở NYC, Thanh đã chết lặng khi nhìn thấy cái mezzanine, tầng lửng đó là một nét chấm phá thành công xuất sắc của kiến trúc ngôi nhà. Ký ức về căn gác xép năm xưa bỗng nhiên tràn về. Thanh chạy vụt ra đường để người môi giới nhà không nhìn thấy hàng nước mắt chợt lăn dài trên má.
Và từ đó, danh sách những thứ Không Thể Có trong ngôi nhà mơ ước của Thanh dài thêm một hàng :
......
- Không Gác Xép.