chẳng bao giờ danh vọng
mọc đôi cánh lang thang.
triết ly dạy cắn răng.
tôi kiệt sức, kiệt sức.
cuộc đời, cuộc đời ơi
tô thuỳ yên
____________________________________________________________________________k í c h .t h ư ớ c
chiều ngang của nghệ thuật là kỹ thuật. chiều sâu của nghệ thuật là tâm hồn. cả hai đều cần thiết cho sự sáng tạo. tuyệt tác vả chăng là sự kết hợp diệu kỳ, nếu không muốn nói là hoàn hảo, của tâm hồn và kỹ thuật. thiếu, hay chưa đủ, một trong hai yếu tố đó, tác phẩm sẽ không đạt, sẽ không vượt được giới hạn của ngôn ngữ, của thời gian, của tâm linh.
thiếu một trong hai, tác phẩm sẽ chỉ là phản ảnh của bản ngã, không chuyên chở trọn vẹn được sự giao cảm giữa tiềm thức và tư duy, giữa cảm nhận và ghi nhận, giữa khát khao của con tim và thỏa mãn của tư tưởng. và khi nó chào đời trong sự-thiếu-một-trong-hai đó, tác phẩm sẽ tật nguyền và tắt thở trong cơn tự mãn trẻ con của tác giả - vì tác giả đã không đủ tâm hồn hay kỹ thuật (hoặc cả hai) để khai triển bản ngã của mình bằng cách vượt qua (hay khai tử) nó trong khi sáng tác.
sáng tạo vốn dĩ không biên thùy. bởi tâm hồn có thể đi đến những nơi mà lý trí không thể nhận thức, không thể phân tách. nhưng nếu kỹ thuật không thể chuyên chở tâm hồn vào những chốn-vô-biên-thùy đó, tác phẩm sẽ hấp hối trên chính thân phận của nó.
khi chọn bước vào một bộ môn nghệ thuật mới, kẻ sáng tạo cần phải cân nhắc về chiều sâu cũng như chiều ngang của tác phẩm mình.
người thưởng thức có thể cảm thông với những đóa hoa đầu vụng dại được dâng hiến với tấm lòng tri túc. nhưng nếu những đóa hoa đầu tay đó là một sự phô trương bản thân của tác giả, ngay khi nó không hội đủ hai yếu tố tâm hồn và kỹ thuật, tác phẩm không khéo chỉ là những tâm niệm cỏ gai mọc vương vãi trong khu vườn nghệ thuật mà thôi. npn.