l á .th ư .v iế t .c h o .c o n .g á i
.....m ộ t .n ă m .v ề .t r ư ớ c
..........3 0 .t h á n g .8 .2 0 1 6
____________________________________________________________________________Ba vẫn còn nhớ, để kỷ niệm ngày con ra đời lần thứ 16, Ba có viết tặng cho con một bài thơ bắt đầu từ hai câu trích dẫn một nhà thơ tiền chiến là “Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái – Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”. Hai câu thơ này Ba đọc được từ một trang báo Tuổi Ngọc do nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long sáng lập và điều hành. Hình như cũng chỉ là một trích dẫn đơn giản. Vì lý do đó, Ba chỉ nhớ có nhỏen hai câu này. Sau này, khi internet lên ngôi, Ba cũng không khó lắm để tìm thấy đầy đủ cả bài thơ và tên tác giả. Tuy vậy, cảm xúc thì không được như chờ đợi. Có thể bài thơ không được hay, cũng có thể cảm xúc của một gã đàn ông già (có khi còn thêm cỗi nữa) không còn mượt mà mềm mại như thuở thiếu niên. Vì vậy, cảm giác không còn nóng hổi như xưa, cũng là lẽ tất nhiên…
Rồi, thời gian thắm thóat mà con 16 tuổi của B ngày xưa đã trở thành một bà mẹ hai con, hồi còn nhỏ, bạn bè của Ba thường giỡn chơi kêu bằng Trung Úy nữ quân nhân. Hì, Biết bao nhiêu vật đổi sao dời, cái nhìn quan sát thế giới nhỏ bé quanh ta cũng biến thiên thay đổi rất nhiều…Của Ba, cũng như của con, chắc chắn đã không còn giống trước.
Bữa nay, nhơn dịp sắp tới kỷ niệm ngày sanh của con, tự dưng Ba sực nhớ về hai câu thơ trích dẫn dành cho con năm 16 tuổi. Hồi đó, và trước nữa, khi mà B còn là một thiếu niên, khi đọc hai câu này, Ba rất ư là thích, khoái. Bởi thích, bởi khoái, nên Ba trích dẫn hai câu đó trước khi tự tay viết cho con một bài thơ mừng sanh nhựt.
Giờ nghĩ lại, thì lại thấy có chút lợn cợn trong đó. Để Ba nói cho con rõ hơn về chuyện này, tại sao mà sanh ra cảm nhận đó. Chính xác là không có cái gì khi không mà nẩy ra được, cái chồi trên cây, cây nấm dưới đất, mảng rêu trên đá, chắc chắn là đâu phải khi không mà có ! Để Ba giải thích cái nguyên do chỉ ra cho Ba thấy những lợn cợn, nhỏ xíu thôi, nhưng vẫn cứ là lợn cợn.
Đó là, cái tâm trạng của nhiều bậc Cha Mẹ (trong đó có Ba, có cả con), dầu có thể ẩn giấu rất kỹ, nhưng…vẫn lồ lộ ra khi gặp dịp. Rất nhiều Cha Mẹ, luôn thèm thuồng con mình cứ nhỏ dại, cứ mỏng manh, cứ bé xíu dễ thương hoài mình được thỏa mãn cái thú được nâng niu chìu chuộng, nâng trứng hứng hoa, nựng nịu cưng cưng…Cảm xúc này đúng là rất…tự nhiên, rất…con người, không ai có thể trách móc chi…Cũng như khi Ba đọc đâu đó con viết ra (cũng phiên phiến thôi) cái ước ao đó khi viết cho Nhím và Sóc, Ba cũng thấy không có gì để…phê phán (hihi, xài chữ này nghe cũng quờn quợn).
Cảm xúc tự nhiên, thì rõ là không thể “phê” hay “phán” rồi. Nhưng, khi một nhà thơ viết lên thành thơ như hai câu ở trên Ba trích dẫn, làm bao nhiêu thế hệ nhớ tới nó, thấy nó đúng, rồi vô thức nghe theo, thì…nói thiệt, hơi có vấn đề, ý Ba là vậy.
Cuộc sống mà, giống như một dòng chảy, ngăn chận, níu kéo, dứt khoát là không nên. Kể cả khi, có muốn cũng không ngăn, không chặn được. Nhưng, nếu mỗi người, nhứt là bậc Cha mẹ, cứ khư khư giữ cái tâm trạng đó, biết đâu, sẽ ảnh hưởng tới cái sự tiến lên (dẫu chua, dẫu ngọt) từ hoa ra trái. Ba nghĩ rằng, ở đâu đó, đã có những đứa con không dám lớn lên vì quá yêu thương Cha Mẹ mình, rồi vô thức giữ cái hình ảnh đứa con luôn thể hiện sự nũng nịu trẻ thơ để Cha Mẹ nó vui lòng. Mà, như vậy thì…không đúng chút nào.
Hoa, phải thành trái, ngọt thì tốt quá, bằng không, chua, cũng có sao ! Chớ…vì cái thơm nồng đã mũi của bông hoa mà níu kéo, mà giữ rịt nó là hoa hoài, đâu có được, mà dẫu muôn một có được thì cũng không nên không phải.
Bữa nay, còn hai ngày nữa mới tới ngày sanh của con, Ba lèm bèm mớ chữ không đâu vô đâu cho con, đọc có chán thì…cũng ráng thông cảm cho Ba. Thông cảm cho một ông già dần dà thấy con cái mỗi lúc mỗi xa, thấy chúng nó cao hơn, lớn hơn, mừng quá đỗi đồng thời cũng buồn…chút chút.
Lan man không đầu không đuôi vậy đó, nhưng…Ba cũng mong con nhìn ra được cái ý của Ba là, đừng vì bất cứ lý do gì, mà làm ngưng đọng dòng chảy cuộc sống của con mình, kể cả khi nhơn danh lòng yêu thương chánh đáng. Rất có nhiều người nghĩ rằng mình phải làm cái này, phải hướng đường kia cho con mình sống trúng, làm trúng…Ba lạm nghĩ, cũng không sai, nhưng, nói thiệt, quan điểm của Ba, Ba còn chưa dám chắc mươi năm sau Ba vẫn cho là trúng thì…có đáng không khi cố ép, cố hướng những đứa con của mình đi theo nó !
Thương con, hết mực thương, theo Ba là đủ rồi. Còn nó sẽ trở thành người như thế nào, rốt cuộc không phải là điều quan trọng nhứt. Ba thú thiệt với con một điều, hồi trước, khi con còn là một thiếu nữ trẻ măng, Ba đã từng lo lắng tới thắt ruột khi lo rằng, sẽ có một ngày con trở thành một người Cộng sản. Hì, sống trong một quốc gia Cộng sản, chuyện đó rất ư dễ dàng để trở thành thực tế.
Ba đã từng tự hỏi lòng rằng, có nên dẫn dắt con theo một con đường nào càng xa càng tốt cái chủ thuyết ôn dịch đó…Ba hỏi, và Ba cũng quyết không làm bất cứ cái gì quá đáng để làm lệch lạc quan niệm của con. Và, Ba hiểu được một điều, biết chắc cú luôn, kể cả khi con có trở thành một người Cộng sản thuần chất, Ba cũng vẫn cứ thương con không hề sút kém một mảy may, thậm chí, có khi còn thương hơn bình thường nữa.
Có lẽ Ba hơi cực đoan (hay quá sức cực đoan chăng ?), nhưng, đó là cách sống của Ba. Cho tới giờ phút này, Ba vẫn chưa thấy có gì bất cập trong cách dạy con cái mình kiểu đó. Còn con, con thấy sao ? Hả Phạm Diệu Thường Đan...t h a n g t r a m